(Đời sống Nhật) Buồn vui nghề phiên dịch viên quản lý TTS Phần 1

Buồn vui nghề phiên dịch viên quản lý Thực tập sinh Nhật Bản


Có nhiều bạn hỏi : chị ơi, quản lý tts kiêm phiên dịch viên nghiệp đoàn là công việc thế nào? Là người đi trước cho em xin ít kinh nghiệm, hay lời khuyên, em có nên tham gia phỏng vấn hay không ? Quản lý các bạn đi xuất khẩu lao động vậy có khó không? ...

Thôi thì, thay vì tra lời từng bạn một, mình xin phép viết lên đây đôi lời, để tiện các bạn tìm kiếm và đọc khi cần thiết, có thể sẽ dễ dàng hơn.
Như nhiều bạn cũng biết, sau khi học tiếng Nhật tại các trường tiếng, hoặc tốt nghiệp ra trường tại các trường senmon, đại học của Nhật Bản. Thì ngày nay có khá nhiều con đường để các bạn lựa chọn. Một trong những công việc được lựa chọn nhiều nhất hiện nay tại Nhật là công việc "Phiên dịch viên kiêm quản lý TTS". Vậy thì công việc ấy là gì ? nội dung công việc chính bao gồm những gì ?
Nếu tìm kiếm với cụm từ " ベトナム語通訳”thôi, thì cũng sẽ có nhiều thông tin tuyển dụng chi tiết về nơi làm việc, mức lương, cũng như nội dung công việc cụ thể như thế này xuất hiện.

Công việc chính của "Phiên dịch viên kiêm quản lý Thực tập sinh" là gì?

  Như "cái tên nói lên tất cả", công việc chính của các bạn là biên, phiên dịch (Nghĩa là dịch văn bản, dịch nói) tiếng Nhật sang tiếng Việt và ngược lại. Với hàng ti tỉ công việc nho nhỏ khác nhau. Nếu nghiệp đoàn, công ty mà bạn làm còn ít thực tập sinh, người lao động Việt Nam thì hầu như được làm hết. Còn nếu như số lượng TTS nhiều, thì có thể được chia ra 2,3 bạn cùng nhau phụ trách, mỗi bạn đảm nhiệm một vị trí với nội dung công việc khác nhau, hoặc được chia theo số lượng thực tập sinh để chăm sóc.
Và vậy thì có vài bạn chưa được tiếp xúc nhiều sẽ thắc mắc, thực tập sinh là gì ? "Thực tập sinh là tên gọi chung của lao động làm việc tại Nhật Bản theo chương trình hợp tác của Việt Nam và Nhật Bản. Thực tập sinh tại Nhật Bản không chỉ được làm việc mà còn được đào tạo về kiến thức chuyên môn và kĩ năng tiên tiến của Nhật. Sau khi về nước thì ngoài số tiền tích lũy được sau 3 năm làm việc, thực tập sinh còn được trau dồi kinh nghiệm nghề nghiệp rất nhiều và cơ hội kiếm việc làm sau khi về nước tại các công ty Nhật Bản là rất cao." Mà nhiều người trong chúng ta vẫn không hiểu lắm, đánh đồng chung nó là xuất khẩu lao động. Mà nói chung, mục đích cuối cùng của phần lớn các bạn không phải là học hỏi kĩ năng phát triển đất nước, vì máy móc trong nước chưa phát triển được đến mức độ ấy. Mà mục đích chính nhất, vẫn là kiếm tiền, phát triển gia đình, phải không? Để tìm hiểu kĩ hơn, thực tập sinh là gì, đời sống như thế nào, có thể mình sẽ cập nhật trong một bài viết gần nhất. Hoặc chỉ cần đánh lên google như thế này


 Thì sẽ ra kha khá nhiều và chi tiết nên mình sẽ không đi sâu. Nội dung bài viết này chính là : công việc của người phiên dich, quản lý các bạn TTS ấy.
Như đã nói ở trên, tùy từng nghiệp đoàn, từng công ty mà công việc của các bạn sẽ khác nhau. Nhưng chung quy thì thường sẽ đảm nhiệm một cơ số nào đó trong ti tỉ những công việc như sau:
- Làm công việc văn phòng: Dịch thuật những giấy tờ công ty gửi đến nhờ dịch để thông báo cho thực tập sinh; làm hợp đồng, dịch chế độ đãi ngộ, kiểm tra hồ sơ được gửi từ các công ty phái cử, chuẩn bị, hoàn tất hồ sơ xin tư cách lưu trú, gia hạn visa; hay xin lại thuế thu nhập; các nghiệp vụ văn phòng khác.
- Thường xuyên ra ngoài, tiếp xúc xí nghiệp, thực tập sinh: Đi đến thăm các xí nghiệp định kì để xem thực tế TTS làm việc có đúng ngành nghề đăng kí không, ( Có thể đi cùng người nghiệp đoàn, hoặc đi riêng, tự lái xe đi nếu có bằng lái, hoặc có thể đi tàu điện, xe bus...); đưa TTS đi khám ngày đầu mới sang Nhật, đến dịch tại bệnh viện khi có TTS ốm đau, bệnh, tai nạn lao động...; hướng dẫn ôn thi chuyển giai đoạn; dịch thi chuyển gia đoạn; dịch giải quyết sự cố khi có các sự cố trong và ngoài công việc, ví dụ như tai nạn, trộm cắp, đánh nhau, cãi cọ, và kinh khủng nhất là đi dịch giải quyết các sự cố tử vong. ..

 Vì tính chất công việc đòi hỏi giao tiếp, tiếp xúc với nhiều kiểu người, nhiều cách nói chuyện , nên sau thời gian làm quản lý TTS bạn sẽ rèn được rất nhiều điều. Tính cách có thể nhẫn nại hơn, mềm dẻo hơn, năng động hơn. Khả năng ứng xử tốt hơn, khả năng phản ứng ngôn ngữ tôt hơn vì mỗi kiểu người, mỗi kiểu nói khác nhau thì mình phải có kiểu phản ứng khác nhau. Ngoài ra, có thêm nhiều mối quan hệ hơn (cả quan hệ bạn bè đến từ phía TTS, cả quan hệ xã giao đến từ giám đốc các xí nghiệp...). Các bạn cũng có thể có thêm nhiều kinh nghiệm làm giấy tờ, xin visa này nọ, mà sau này có xin cho người thân đi chăng nữa, cũng dễ dàng hơn. Hơn nữa, khi bạn là phiên dịch viên, bạn hoàn toàn làm việc trong văn phòng "ngang bằng" với người Nhật. Ngang bằng ở đây nghĩa là, có thể tiếng Nhật bạn kém hơn họ (Đương nhiên vì họ là người bản địa mà), nhưng bù lại, họ lại cần ngoại ngữ (Là ngôn ngữ mẹ đẻ của mình). Quan hệ tương hỗ lẫn nhau, nên bớt đi cảm giác lo lắng, tự ti khi bước chân vào văn phòng toàn người Nhật.
Đặc biệt, nghiệp đoàn phải thường xuyên cập nhật thông tin mới về chế độ. Vậy thì bạn cũng sẽ là một trong những người có thể được tiếp cận sớm, nhanh chóng nắm bắt được thông tin mới nhất về các chế độ tại Nhật Bản.

Khó khăn của quản lý thực tập sinh Nhật Bản là gì

  Thế nhưng nhiều khi cũng thấy ....mệt mỏi. Vì nếu để làm cho tốt thực sự công việc quản lý TTS, không chỉ có ngày 8 tiếng trên văn phòng là đủ, mà còn phải hướng dẫn đời sống ngoài giờ cho các bạn. Thỉnh thoảng, đi giải quyết các sự vụ như trộm cắp, đánh nhau...thì lòng tự tôn dân tộc lại làm bạn áp lực. Mặc dù đâu cũng có người lọ, người chai, nhưng người ta sẽ đánh đồng tất cả..người Việt Nam chúng mầy như thế đấy. Và người nghe, dịch lại chính là mình -một người Việt Nam chính hiệu, từ tủy sống cho tới màu da. Hay thỉnh thoảng lại được nghe điện thoại vài chục phút đến vài tiếng, chỉ để nghe phàn nàn : ôi tiếng Nhật nó dốt lắm, nói không hiểu; ôi thì được mà tiếng Nhật N2 thì tốt ...các kiểu con đà điểu. Nói thật thình thoảng cũng không giữ được bình tĩnh, chửi thề "Thề chứ nó mà N2, nó ngồi đấy nhận mức lương cơ bản, làm lụng vất vả cho các ông à, hão vừa thôi chứ". Lẩm bẩm một mình thế thôi chứ ai dám nói, xong quay lên cười, xin lỗi. Được cái, không cần đắp mặt nạ hay kem dưỡng mà "da mặt vẫn dày", và mặt vẫn luôn luôn tươi.

Nói tạm một ít vậy thôi, bạn nào lười đọc thì có thể nghe video bên dưới.

Tiện thể trên đường đi thăm xí nghiệp về, mình muốn làm một đoạn video ngắn để tâm sự, cũng như trả lời các câu hỏi đó của các bạn.

Video dài nên mình chia hai phần. Phần 1 là những mặt được, mặt tích cực, hay những niềm vui mà mình đạt được.

Để ủng hộ và đồng hành cùng Vân Hồ trên các hành trình thú vị. Cả nhà mình hãy --- Đăng ký kênh để nhận thông báo video mới --- đăng ký kênh YouTube của Vân Hồ ngay tại link này nhé: https://www.youtube.com/channel/UCPzu1qeBnOE0b2MBYDYOYKg --- Kết nối với Vân Hồ ngay tại đây nhé --- * Kết nối qua page Facebook : https://www.facebook.com/gowithmehovan








Phần 2 là những cái khó khăn, vất vả mà mình cảm nhận được. Các bạn đón xem phần 2 ở video dưới đây nha.

(Xin hãy dẫn nguồn khi copy.)

7 nhận xét:

  1. Đúng là chỉ có ai trong nghề mới thấu hiểu và cảm thông cho nhau. Trong gần 2 năm qua, không biết bao nhiêu lần có suy nghĩ bỏ việc, ăn không ngon ngủ không yên, đêm 30 tết còn ngủ mơ thấy công việc nhưng thôi cũng gắng đến khi tìm được công việc khác phù hợp hơn.

    Trả lờiXóa