Du học Nhật Bản là gì? Bạn cần chuẩn bị những gì trước khi quyết định du học?

   
     Du học Nhật là gì ? Hệ thống giáo dục ở Nhật, một số đặc điểm nói chung, các cấp học thường thấy của du học sinh ở Nhật: du học tiếng, dự bị đại học, senmon, đại học,cao học... điều kiện để đi du học Nhật vừa học vừa làm là gì ? các kì nhập học, thời gian để chuẩn bị?
  Có nhiều người nói, Nhật Bản lấy đi của bạn Thanh Xuân.
Nhưng cũng sẽ có người nói rằng. Nhật Bản trả lại cho bạn sự trưởng thành.     



I. Hệ thống giáo dục Nhật Bản.
     Nhật Bản không chỉ được biết đến với tư cách là một quốc gia hùng mạnh về kinh tế, mà còn được biết đến với tư cách là một quốc gia với nền giáo dục rất đa dạng và chất lượng.
Ở Nhật Bản, hệ thống giáo dục có một số điểm khác biệt với Việt Nam như:

- Tại Nhật Bản, trẻ em bước sang 6 tuổi kể từ ngày 1 tháng 4 năm đó sẽ bắt đầu vào tiểu học.
- Năm học bắt đầu vào tháng 4 và kết thúc vào tháng 3.
- Cấp học tiểu học gồm có 6 năm và trung học cơ sở 3 năm (tổng cộng 9 năm) là giáo dục bắt buộc đối với người dân Nhật Bản. Nó không bắt buộc đối với người nước ngoài, nhưng nếu bạn muốn, bạn có thể theo học các trường tiểu học và trung học cơ sở công lập địa phương.




    Một số trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học công lập có hệ thống chấp nhận người nước ngoài và trẻ Nhật ở nước ngoài trở về. (Nếu muốn cho con nhập học vui lòng liên hệ với văn phòng địa phương nơi bạn sống.)
- Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, bạn có thể tiến lên cấp ba và đại học nếu muốn, hoặc bạn cũng có thể nghỉ học và tìm việc làm.
- Hê thống giáo dục Nhật Bản khá đa dạng với các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cao đẳng nghề, cao đẳng, đại học và cao học, có cả trường quốc gia, công lập (trung ương) và tư thục.
- Nếu bạn bị bệnh hoặc khuyết tật gây khó khăn cho việc học tại một trường phổ thông, có những trường chuyên biệt.


    Như vậy là, học sinh ở Nhật tròn 6 tuổi sẽ bắt đầu vào lớp 1 tháng 4 hàng năm.
  • Mẫu giáo (1 đến 3 năm)
  • Tiểu học (6 năm, từ 6 đến 12 tuổi)
  • Trung học cơ sở (3 năm, từ 13 đến 15 tuổi)
  • Trung học phổ thông (3 năm)
  • Cao đẳng (2 năm, có khoa học 3 năm)
  • Cao đẳng kỹ thuật (Từ 5 đến 5,5 năm)
  • Đại học ngắn hạn (2 năm)
  • Đại học chính quy (4 năm)
II. Các cấp học thường thấy của du học sinh tại Nhật và điều kiện

    Có một số trường trung học cơ sở chấp nhận học sinh nước ngoài một mình đến Nhật du học. Nhưng số lượng đó còn khá ít, và thủ tục khá phức tạp. Phần lớn du học sinh đến Nhật du học khi đã hoàn thành hết chương trình học 12 năm (THPT) ở nước nhà. 
Như chúng ta có thể tham khảo ở trên, các cấp học mà du học sinh thường lựa chọn khi #Du học Nhật Bản đó là : Học tiếng Nhật tại trường tiếng, Học semmon, Đại học, hay cao học...

    Các trường ở trên đã được sắp xếp theo trình độ, nhưng như các bạn nhìn thấy ở phần yêu cầu. Cũng có thể, có những trường hợp các bạn học tiếng Nhật lên đến trình độ N3, N2 trước khi sang Nhật, nếu phỏng vấn đạt, các bạn hoàn toàn có thể được nhận vào trực tiếp trung cấp, cao đẳng, hay đại học ở Nhật. Hoặc sau khi kết thúc trường tiếng, tiếng Nhật đủ đáp ứng, bạn vẫn có thể nhảy lên đại học mà không cần thông qua các khóa dự bị, hay học qua trung cấp, cao đẳng theo một trình tự như trên. 
    Các bạn học sinh khác, khi chưa có năng lực tiếng Nhật N3 trở lên, nếu có ý định du học Nhật Bản, thì việc đầu tiên không phải chọn trường cao đẳng, đại học hay ngành gì... mà là chọn trường tiếng Nhật nào phù hợp với nhu cầu, mục đích cá nhân, cũng như vùng sống nào phù hợp kinh tế gia đình. 

    Việc chọn trường đại học để ghi vào giấy mục đích du học thì chỉ là hình thức thôi. Các bạn có thể hoàn toàn thay đổi sau khi kết thúc 1-2 năm học trường tiếng tại Nhật. 

 Trường tiếng Nhật (Tiếng Nhật 日本語学校 hay Japanese Language School)




     Đúng như tên gọi, đây là trường được lập ra với mục đích bồi dưỡng tiếng Nhật cho các bạn tại bản địa, để nhằm hỗ trợ du học sinh đạt được các mục đích của mình như : đậu vào các trường trung cấp, chuyên môn, cao đẳng, đại học, hay cao học, xin việc làm...
Phần lớn các trường tiếng Nhật đều yêu cầu:
- Hoàn thành 12 năm học tại nước nhà.
- Có trình độ tiếng Nhật sơ cấp (JLPT N5)
    Các trường tiếng Nhật ở Nhật thường có 2 kì nhập học lớn là tháng 4, và tháng 10 hàng năm. Một số trường có thể mở thêm kì nhập học nhỏ hơn là tháng 1, và tháng 7. Nâng tổng số kì nhập cảnh hằng năm của du học sinh đến Nhật nhập học các trường tiếng là 4 đợt (Tháng 1,4,7,10). Các trường tiếng thường cũng sẽ tốt nghiệp vào tháng 3 hàng năm.
    Cũng tùy thuộc vào kì nhập cảnh mà các bạn học tiếng Nhật tại trường tiếng với các khóa học dài ngắn khác nhau. Ví dụ nhập cảnh tháng 4 bạn sẽ học khóa tiếng Nhật 1 năm hoặc 2 năm; nhập cảnh tháng 7 thì học 1 năm 9 tháng; nhập cảnh tháng 10 thì học 1 năm 6 tháng; nhập cảnh tháng 1 thì khóa học 1 năm 3 tháng.
    Các trường tiếng cũng như trường đại học hay senmon ở Nhật đều cho phép du học sinh đi làm thêm 28 tiếng /1 tuần vào kì học và 40 tiếng/ tuần vào kì nghỉ. Chỉ từng đó cũng có thể giúp các bạn đủ trang trải học phí và sinh hoạt phí nếu tiết kiệm. 

   Vậy cần chuẩn bị bao lâu trước kì nhập học? 

Để chuẩn bị tốt cho du học, các bạn nên chuẩn bị trước  6 tháng - 1 năm. Vì năng lực tiếng Nhật ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của các bạn trên đất khách quê người. Về giấy tờ, hồ sơ ...cục yêu cầu nạp đầy đủ hồ sơ (bao gồm cả bằng tiếng Nhật ) trước kì nhập học khoảng 4 tháng. Vậy, các bạn cần chuẩn bị trước ít nhất 6-8 tháng, để có được đầy đủ hồ sơ và bằng cấp tiếng Nhật. Ngoài ra, các trường tốt thường tổ chức phỏng vấn khá sớm. Vậy nên, chuẩn bị càng sớm, cơ hội chọn được trường tốt, hay trường theo ý mình càng cao. Mà nếu trượt, các bạn cũng có cơ hội để phỏng vấn lại, hoặc chọn lại trường khác linh hoạt hơn. 
(Việc lựa chọn trường tiếng phù hợp, sẽ được đề cập trong một bài viết khác chi tiết hơn)

Bạn cần chuẩn bị những gì trước khi quyết định du học?

1. Tâm lý:
    Nhiều năm trước, cũng cùng tâm trạng như các bạn bây giờ, vừa hồi hộp vừa lo lắng, mình đã chọn từ bỏ công việc hiện tại để đi du học Nhật Bản, sau khi tìm hiểu khá nhiều. Thế nên ngày đến Nhật, mình không bị hốt bởi cuộc sống mới. Dù rằng, sau mỗi buổi đi làm về vẫn thường khóc suốt đường về. Nhật Bản có màu hồng, nhưng không phải tất cả đều màu hồng. Như các nước khác, nó là tổng hợp thể của các màu khác nhau. Nó còn tùy thuộc vào cách nhìn nhận, cách chấp nhận của mỗi người khác nhau. Và cũng tùy thuộc vào sự chuẩn bị vững vàng tâm lý của các bạn trước khi bắt đầu. Mỗi khi nghĩ đến bỏ cuộc, tôi lại nghĩ đến mái nhà dột của mẹ, nghĩ đến bàn tay nhăn nheo của ba, nghĩ đến lý do tôi bắt đầu, để mạnh mẽ. 

2. Tiền bạc: 
  Dù rằng du học là một con đường thoát li khỏi lũy tre làng, đưa lại tương lai tốt hơn. Thế nhưng, với việc tìm hiểu không kĩ càng, bỏ ra số tiền quá lớn (Có những bạn vay mượn 250-300 triệu để đi du học), gánh nặng tài chính đè nặng lên vai, những năm du học sẽ không còn là du học nữa, mà là cày trả nợ. Cuộc sống của bạn luẩn quẩn giữa việc đi cày, trả nợ, trả học phí rồi lại đi cày, vì bạn không còn thời gian để học tập và nâng cao kiến thức, ngôn ngữ. Vì vậy, không nên vay 100% để đi du học. Ngoài ra, việc tìm hiểu kĩ càng trước khi bắt đầu là rất cần thiết. Các công ty tốt thường minh bạch chi phí, và theo bản thân mình được biết, ngoài các chi phí phải đóng cho trường, chi phí hồ sơ từ 0 đến 20 triệu là có thể chấp nhận được. (Vì các công ty nhận được hoa hồng từ trường).
Bỏ ra thời gian tìm hiểu cũng chính là kiếm tiền bằng cách tiết kiệm tiền cho gia đình.

"Đừng bán ngôi nhà rách nát của bố mẹ bạn, để vỗ béo những công ty đen"

3.  Kiến thức, Ngôn ngữ
    Vì đi đến một đất nước khác, với ngôn ngữ khác, văn hóa khác, rất nhiều thứ khác, nên việc chuẩn bị kiến thức, ngôn ngữ  đặc biệt quan trọng khi bắt đầu tính đến du học.
    Khi đi du học, bạn sẽ phải sống một mình, sẽ phải tự chăm sóc bản thân mình. Nên ít nhất, phải có một ít kiến thức về thuốc, về việc chăm sóc bản thân khi ốm đau. Đặc biệt các bạn nữ, các bạn sẽ phải đi làm thêm, sẽ phải về muộn, sẽ phải dậy sớm. Nhật Bản cũng nổi tiếng với nhiều hentai (Biến thái), nhiều người biến thái đến mức mà , bạn không thể nghĩ ra nó là biến thái. (Có người đi trộm đồ lót đã dùng của phụ nữ để làm bộ sưu tập, có kẻ dám đột nhập vào tận phòng bạn mà không trộm cắp gì...)
Nên cần có kiến thức để tự vệ, và bảo vệ chính bản thân mình. 
   Ngôn ngữ là một trong những vũ khí sống còn của chính bạn tại nước ngoài. Có ngôn ngữ bạn sẽ tự tin giao tiếp, trao đổi, bạn cũng dễ dàng tìm kiếm được việc làm thêm, dễ dàng kết bạn, cuộc sống cũng dễ dàng hơn. 

4.Kĩ năng sống, khả năng sống độc lập : 
     Nếu học đại học ở Việt Nam, ba mẹ chuẩn bị cho các bạn từ cái mũ để đội đến cái dép để đi. Thì khi đi du học, các bạn sẽ được hiểu thế nào là "Cơm người khó nuốt mẹ ơi, chẳng như cơm mẹ vừa ngồi vừa ăn". Từ việc giặt đồ lót, đến việc khâu vá, tất cả đều là do các bạn tự lo. Trải qua vài lần cãi cọ, vấp ngã, rồi bạn sẽ hiểu ra, không ai tốt với bạn bằng chính bản thân bạn, và bố mẹ bạn. Bạn phải học cách sống độc lập cả về cuộc sống, quản lý giờ giấc, đến quản lý tài chính. Một tháng chi tiêu của bạn ở đất Nhật có thể là tiết kiệm 5-7 tháng của bố mẹ ở nhà. Nên lúc đó, không ai có thể giúp đỡ bạn ngoài chính bản thân bạn.
     Những bạn không biết nấu ăn có thể đi ăn tiệm ở ngoài. Nhật nổi tiếng với phong cách phục vụ, bạn sẽ được cảm thấy như trở thành công chúa, ông hoàng ngay cả khi bạn đeo đôi tổ ong và quần đùi. Thế nhưng, nếu bố mẹ ở nhà chưa có một mái nhà lành lặn để ở, thì hãy suy nghĩ kĩ lại, vì việc ăn ngoài có thể ngốn hết cả tháng lương của bạn.
   Đặc biệt những lúc ốm đau, ai cũng bận công việc phải đi làm, bạn sẽ phải tự nấu cháo, tự bưng lên bàn ăn, tự đi mua thuốc, tự đi bệnh viện, tự đo nhiệt độ, hay tự giặt khăn hạ sốt. Tất cả mọi thứ đều "TỰ" mình làm. 
   Nhưng sau tất cả, bạn sẽ thấy bạn đã "TỰ" trưởng thành, tự kiếm ra tiền, tự có trách nhiệm với bản thân và gia đình, cũng tự do tự tại, tự đi du lịch đó đây.

Có nhiều người nói, Nhật Bản lấy đi của bạn Thanh Xuân.
Nhưng cũng sẽ có người nói rằng. Nhật Bản trả lại cho bạn sự trưởng thành. 

Chúc các bạn có nhiều may mắn. 
















2 nhận xét: